Nghi thức thờ cúng tổ tiên – một số điều cần biết

Việc thờ cúng tổ tiên mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của con người Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đúng cách và mang giá trị giáo huấn thì không phải ai cũng biết và hiểu hết. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số điều cần biết trong nghi thức thờ cúng tổ tiên.

1. Ngày cúng giỗ

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt luôn coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất, theo đó ngày này được tính theo Âm lịch. Ngoài ra, việc thờ cúng tổ tiên cũng được thực hiện thường xuyên vào những ngày mùng một, ngày rằm hay trong các dịp lễ Tết chẳng hạn như: Tết cổ truyền, Tết Hàn thực…

Hay trong những việc quan trọng của gia đình như cưới hỏi, làm nhà, thi cử…người Việt cũng thực hiện nghi lễ này để cầu mong sự hanh thông và may mắn đồng thời bày tỏ sự biết ơn và thành kính với ông bà tổ tiên.

2. Bàn thờ gia tiên

Trong gia đình người Việt luôn có một bàn thờ gia tiên. Theo đó, bàn thờ gia tiên luôn được đặt tại những nơi cao ráo, sạch sẽ và thanh tịnh nhất trong nhà.

Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng, thành kính với những người đã mất mà nó còn hợp phong thủy đem lại phước khí tài lộc cho gia chủ. Trên bàn thờ, bày trí bát hương, chân đèn bài vị hay hình ảnh của người đã khuất, chân nến.

Đồ cúng dâng lên tổ tiên thường bao gồm hương, hoa, chén nước lã, ngoài ra còn có thức ăn, trà, rượu trắng, vàng mã… Sau khi tàn một nửa tuần hương, vàng mã phải được đem đốt, rót xuống đống tàn chén rượu cúng thì tổ tiên mới nhận được, bởi hướng khói sẽ hòa quyện vào trời, nước, rượu và lửa sẽ thấm nhuần trong đất.

3. Bàn thờ vọng

Bàn thờ vọng là một loại bàn thờ mà những người con xa quê hương không có điều kiện trở về vào mỗi dịp Tết lập ra để bày tỏ sự thành tính và tấm lòng hiếu thảo với tổ tiên.

Trước khi lập bàn thờ vọng, gia chủ phải về quê thành tâm và khấn cáo với tổ tiên

tại bàn thờ chính để xin phép chuyển một vài chân hương đang cháy dở đến bàn thờ vọng. Bàn thờ vọng nên đặt tại nơi trang trọng và thanh tịnh nhất trong ngôi nhà và đặt hướng về phía quê hương để gia chủ dù xa quê hương nhưng luôn hướng về cội nguồn, hướng về quê hương.

4. Bàn thờ bà cô, ông mãnh

Bà cô, ông mãnh là những người mất khi tuổi còn trẻ, chưa lập gia đình. Theo quan niệm dân gian, những người mất trẻ thường rất linh thiêng.

Việc lập bàn thờ bà cô ông mãnh cũng có một vài lưu ý nhất định, không nên thờ cúng bà cô ông mãnh ngang hàng với tổ tiên, bởi lẽ bà cô ông mãnh thường có tuổi thấp hơn gia tiên thế nên không thể ngang hàng với tổ tiên.

Bàn thờ bà cô ông mãnh được bày trí dưới gầm hương án bàn thờ tổ tiên, hoặc đặt cùng trên bàn thờ tổ tiên nhưng phải thấp hơn bát hương của gia tiên.

5. Bàn thờ người mới mất

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người mới khuất không được thờ chung với gia tiên mà phải đặt riêng một bàn thờ. Trong vòng 100 ngày, con cháu phải thường xuyên thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, dâng lên người mất.

Sau 49 ngày, bát hương người mới khuất mới được thỉnh lên bàn thờ gia tiên. Sau khi tiến hành lễ trừ phục, bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng với những đồ thờ riêng và rước ảnh và bát hương lên bàn thờ gia tiên. Tuy nhiên, bát hương người mới mất phải đặt thấp hơn một bậc so với bát hương tổ tiên.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về nghi thức thờ cúng tổ tiên mà ai cũng cần biết; hãy học làm đúng những điều trên để vừa tỏ lòng hiếu phụng với tổ tiên ông bà vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Rate this post